Lịch khám thai định kỳ cho thai phụ

13/12/2023

.

Ngay từ khi biết mình mang thai, việc khám thai định kỳ rất quan trọng. Mẹ bầu cần nắm rõ lịch khám thai ở các mốc sau:
Trong 3 tháng đầu (tính từ ngày đầu kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày), mẹ bầu cần đi khám 2 lần để xác định tình trạng mang thai, tính ngày dự sinh và làm một số xét nghiệm để đánh giá sức khỏe của cả mẹ và bé.
  • Khám lần đầu: trễ kinh 2 – 3 tuần 
  • Khám lần 2 lúc thai: tuần 11 – 13 tuần.
  • Trong đó mốc khám thai quan trọng cần nhớ đi khám sàng lọc dị tật thai nhi và tầm soát sớm tiền sản giật là tuần thứ 11-13.

Trong 3 tháng giữa thai kỳ (tính từ tuần 14 đến 28 tuần 6 ngày), mẹ bầu cần đi khám thai đều đặn ít nhất mỗi tháng 1 lần. Nếu có biểu hiện bất thường như ra máu, đau bụng thì nên đi đến bác sĩ ngay. Đừng quên mốc khám thai tuần thứ 22 để siêu âm 2D/3D/4D sàng lọc dị tật hình thể thai nhi và tầm soát tiền sản giật quý II. Mốc thai kỳ 24-28 tuần cần xét nghiệm tầm soát đái tháo đường thai kỳ. Cũng trong 3 tháng giữa, thai phụ sẽ được hướng dẫn chích ngừa uốn ván và chích ngừa cúm.
Đến 3 tháng cuối của thai kỳ (tính từ tuần 28 đến tuần 40) các mẹ đến tái khám theo lịch sau:

  • Tuần 29 – 32: khám 1 lần
  • Tuần 32 – 35: 2 tuần khám 1 lần
  • Tuần 36 – 41: 1 tuần khám 1 lần. Vào tháng cuối thai kỳ, thai phụ cần xét nghiệm tầm soát Streptococcus dịch âm đạo (GBS) và tầm soát tiền sản giật quý III.
Trong 3 tháng cuối, bác sĩ sẽ xác định ngôi thai, ước lượng cân thai, khung chậu và tiên lượng sinh thường hay sinh khó. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ tư vấn cách chăm sóc sức khỏe cho bà bầu đúng cách và an toàn. 
Trong trường hợp mẹ bầu có các dấu hiệu bất thường như đau bụng, xuất huyết, ra nước ối,… nên đến bệnh viện để thăm khám ngay.
Đây chỉ là các mốc khám thai trong trường hợp thai kỳ mang đơn thai, diễn tiến bình thường. Trường hợp quá trình mang thai có vấn đề gì bất thường phát sinh hoặc mang đa thai, lịch khám thai sẽ được bác sĩ thay đổi tùy theo từng trường hợp cụ thể./.