Thông Tin Thuốc – Tháng 12/2024
19/12/2024Bệnh viện Phụ Sản Nhi Bình Dương
VẮC-XIN - AN TOÀN TRONG THAI KỲ
Tiêm vắc-xin trong thời kỳ mang thai đóng vai trò quan trọng trong việc tạo miễn dịch chủ động cho người mẹ, giúp chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đồng thời, vắc-xin còn giúp cung cấp miễn dịch thụ động cho trẻ sơ sinh, bảo vệ trẻ trước các bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao.
Theo nguyên tắc, vắc-xin sống bị chống chỉ định trong thai kỳ vì nguy cơ gây nhiễm trùng huyết ở thai nhi. Trong khi đó, vắc-xin bất hoạt thường an toàn và được khuyến nghị sử dụng. Các loại vắc-xin an toàn cho tất cả phụ nữ mang thai bao gồm:
- Vắc-xin uốn ván (TT), hoặc kết hợp uốn ván, bạch hầu, ho gà vô bào (Tdap).
- Vắc-xin cúm: Có thể tiêm ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Nếu không tiêm trong thai kỳ, vắc-xin này có thể tiêm sau sinh.
- Trước mang thai: Nên tiêm vắc-xin sởi, quai bị, rubella (MMR), với khuyến cáo tránh mang thai trong vòng 1 tháng sau khi tiêm.
- Trong thai kỳ:
- Vắc-xin TT và Tdap nên được tiêm trong tam cá nguyệt thứ ba.
- Vắc-xin cúm có thể tiêm bất kỳ lúc nào.
- Các trường hợp nguy cơ cao: Những phụ nữ có nguy cơ phơi nhiễm cao nên tiêm các loại vắc-xin như viêm gan A, viêm gan B, phế cầu khuẩn, não mô cầu, sốt vàng da, viêm não Nhật Bản, bại liệt, thương hàn và tả.
- Dự phòng sau phơi nhiễm (PEP): Chỉ sử dụng các vắc-xin đặc biệt như đậu mùa, bệnh dại và bệnh than.
Vắc-xin sau sinh
Sau sinh, phụ nữ nên được tiêm vắc-xin phòng vi-rút papilloma ở người (HPV). Nếu chưa tiêm chủng trước đó, họ cần được bổ sung các vắc-xin MMR, Tdap và cúm.
Các vắc-xin tương lai
Hiện tại, các nhà khoa học đang phát triển các vắc-xin phòng bệnh như sốt rét, vi-rút Zika, vi-rút hợp bào hô hấp (RSV), liên cầu khuẩn nhóm B, CMV và COVID-19 (SARS-CoV-2).
Bảng dưới đây là tổng hợp, cho biết thai phụ có thể hoặc không thể tiêm chủng những loại vắc-xin nào trong thời gian mang thai.
Vắc-xin | Thai phụ có cần vắc-xin này trong thời gian mang thai không? |
---|---|
COVID-19 | Có! Tất cả người lớn, bao gồm cả những người đang mang thai và những người đã bị bệnh COVID-19, được khuyến nghị tiêm cập nhật vắc-xin COVID-19. Việc tiêm vắc-xin vào bất kỳ thời điểm nào trong thời gian mang thai là an toàn. |
Influenza (Cúm) |
Có! Quý vị cần chủng ngừa một liều vào mỗi mùa thu hoặc mùa đông để bảo vệ cho bản thân và cho con quý vị. Việc tiêm vắc- xin vào bất kỳ thời điểm nào trong thời gian mang thai là an toàn. |
Uốn ván, bạch hầu và ho gà (Tdap; Td) |
Có! Phụ nữ đang mang thai cần một liều vắc-xin Tdap (vắc-xin ho gà dành cho người lớn) trong mỗi lần mang thai, tốt nhất là vào giai đoạn đầu của ba tháng cuối của thai kỳ. Vắc-xin Tdap trong thời kỳ mang thai sẽ giúp bảo vệ con quý vị khỏi bị ho gà trong những tháng đầu sau khi sinh. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ của quý vị nếu quý vị chưa từng chích ít nhất là 3 mũi chủng ngừa uốn ván và bạch hầu trong đời hoặc nếu quý vị đang có vết thương sâu hoặc bẩn. |
Viêm gan B (HepB) |
Có! Tất cả người lớn dưới 60 tuổi, bao gồm cả những người đang mang thai, nên tiêm vắc-xin HepB nếu họ chưa có miễn dịch. Nếu cần tiêm vắc-xin trong thời kỳ mang thai, có thể sử dụng Engerix-B, Recombivax HB, hoặc Twinrix (kết hợp với vắc-xin viêm gan A). Bất kỳ loại vắc-xin HepB nào cũng có thể được sử dụng trong khi cho con bú. Nên tiến hành xét nghiệm máu sàng lọc nhiễm viêm gan B trong mỗi lần mang thai, bất kể tình trạng tiêm chủng. |
Vi-rút thể hợp bào gây bệnh lý hô hấp (RSV) | Có! Để ngăn ngừa bệnh RSV nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh, nên tiêm vắc-xin Pfizer RSV (Abrysvo) trong khoảng từ 32 tuần, 0 đến 36 tuần và 6 ngày của thai kỳ HOẶC nên tiêm một liều nirsevimab (kháng thể phòng ngừa RSV) cho trẻ sơ sinh sau khi sinh. Tiêm vắc-xin RSV trong thời kỳ mang thai thường chỉ được cung cấp trong khoảng từ tháng 9 đến cuối tháng 1. |
Phế cầu khuẩn PPSV23; PCV15; PCV20 |
Có thể. Nếu quý vị có nguy cơ cao bị bệnh nặng do bệnh phế cầu khuẩn, bác sĩ của quý vị có thể khuyến nghị tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn trong khi mang thai hoặc khuyến nghị chờ cho đến sau khi mang thai. Nếu quý vị vô tình được tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn trong thai kỳ, đây không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. |
Viêm gan A (HepA) |
Có thể. Quý vị cần vắc-xin này nếu quý vị có yếu tố nguy cơ cụ thể đối với viêm gan A.* Vắc-xin thường được tiêm 2 liều, cách nhau 6–18 tháng. Nếu cần tiêm hoặc tiếp tục tiêm vắc-xin HepA, thì việc đó là an toàn trong thời gian mang thai. |
Viêm màng não mủ do Haemophilus influenza tuýp b (Hib) | Có thể. Một số người lớn có nguy cơ dễ mắc bệnh,* ví dụ như lá lách không còn hoạt động, cần phải chủng vắc-xin Hib. Nếu cần tiêm vắc-xin Hib, thì tiêm vắc-xin này là an toàn vào bất cứ thời điểm nào trong thời gian mang thai. |
Viêm màng não cầu khuẩn ACWY (MenACWY) | Có thể. Quý vị cần MenACWY nếu quý vị là sinh viên đại học năm thứ nhất sống trong ký túc xá và (1) quý vị chưa được tiêm liều nào kể từ khi bước sang tuổi 16, hoặc (2) đã hơn 5 năm kể từ liều cuối cùng của quý vị. Bất cứ ai từ 19 đến 21 tuổi đều có thể tiêm liều bù nếu họ chưa tiêm liều bù kể từ khi bước sang tuổi 16. Quý vị có thể cần chủng ngừa vắc-xin MenACWY nếu đang mắc một trong số các bệnh*, ví dụ như quý vị không còn lá lách. Chủng ngừa MenACWY trong thời gian mang thai là an toàn. |
Viêm màng não cầu khuẩn B (MenB) | Có thể. Quý vị cần MenB nếu quý vị có một trong một vài tình trạng bệnh lý*, ví dụ như nếu lách của quý vị không hoạt động. Quý vị cũng có thể cân nhắc tiêm vắc-xin MenB nếu quý vị 23 tuổi trở xuống (ngay cả khi quý vị không có bệnh trạng có nguy cơ cao) sau khi thảo luận với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của mình. Do chưa có nghiên cứu nào được thực hiện về vắc-xin MenB trong thai kỳ, hãy nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị để xác định xem lợi ích của việc tiêm chủng có lớn hơn những rủi ro tiềm ẩn hay không. |
Vi-rút papilloma ở người (HPV) |
Không. Không nên tiêm vắc-xin này trong thời gian mang thai, nhưng nếu quý vị đã vô tình tiêm thì đó cũng không phải là vấn đề cần lo lắng. Vắc-xin HPV được khuyến nghị cho những người từ 26 tuổi trở xuống, vì thế nếu quý vị đang ở độ tuổi này, hãy chắc chắn là quý vị được chủng ngừa trước hoặc sau khi mang thai. Những người từ 27 đến 45 tuổi cũng có thể được chủng ngừa HPV sau khi thảo luận với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của họ. Vắc-xin này được tiêm theo 2 hoặc 3 liều (tùy theo tuổi khi tiêm liều đầu tiên) trong thời gian 6 tháng. |
Sởi, quai bị, rubella (MMR) |
Không. Không nên tiêm vắc-xin MMR trong thời gian mang thai, nhưng nếu quý vị đã vô tình tiêm thì đó cũng không phải là vấn đề cần lo lắng. Quý vị cần ít nhất 1 liều MMR nếu sinh ra từ năm 1957 trở lại đây. (Và quý vị có thể cần chủng ngừa một liều thứ hai.*) Trong quá trình chăm sóc thai, bác sĩ của quý vị sẽ xét nghiệm máu của quý vị để đánh giá xem quý vị có cần chủng ngừa MMR sau khi sinh không. Để bảo vệ tốt nhất cho quý vị (và cho đứa con tương lai của quý vị), nên chủng ngừa trước khi có thai. |
Thủy đậu (Varicella; Var) |
Không. Không nên tiêm vắc-xin thủy đậu trong thời gian mang thai, nhưng nếu quý vị đã vô tình tiêm rồi thì đó cũng không phải là vấn đề cần lo lắng. Nếu quý vị chưa từng mắc bệnh thủy đậu, chưa từng được chủng ngừa, hoặc đã được chủng ngừa nhưng chỉ được tiêm 1 liều, thì để có được bảo vệ tốt nhất cho quý vị (và bất cứ đứa con nào trong tương lai), nên tiêm loại vắc-xin này trước khi cố gắng mang thai hoặc sau sinh. Vắc-xin này được tiêm theo 2 liều, cách nhau 4-8 tuần. |
Bệnh giời leo (Bệnh zona) |
Không. Nếu quý vị từ 50 tuổi trở lên hoặc. Nhưng nếu quý vị ở độ tuổi 19-49 và bị suy giảm miễn dịch, quý vị nên tiêm loạt 2 liều vắc-xin ngừa bệnh zona nhãn hiệu Shingrix. Tuy nhiên, vì chưa xác định được tính an toàn của vắc-xin Shingrix trong thời kỳ mang thai, hãy trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị để xác định xem lợi ích của việc tiêm vắc-xin Shingrix trong thời kỳ mang thai có lớn hơn những nguy cơ tiềm ẩn hay không. |
Đơn vị thông tin thuốc
Tags
thông tin thuốc thong tin thuoc Thông Tin Thuốc – Tháng 12/2024 thong tin thuoc ?? thang 12 2024
Bài viết khác
- Thông Tin Thuốc – Tháng 11/2024
- Thông Tin Thuốc – Tháng 10/2024
- Thông Tin Thuốc – Tháng 09/2024
- Thông Tin Thuốc – Tháng 08/2024
- Thông Tin Thuốc – Tháng 07/2024
- Thông Tin Thuốc – Tháng 05/2024
- THÔNG TIN THUỐC THÁNG 4/2024
- THÔNG TIN THUỐC THÁNG 3/2024
- Thông Tin Thuốc – Tháng 02/2024
- Thông Tin Thuốc – Tháng 01/2024