Bệnh viện Phụ Sản Nhi Bình Dương Thông Tin Thuốc – Tháng 07/2022 THUỐC TRONG ĐIỀU TRỊ NHIỄM Chlamydia THEO KHUYẾN CÁO CỦA CDC 2021

05/08/2022

Nhiễm Chlamydia là một trong những bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn được báo cáo thường xuyên nhất ở Hoa Kỳ với tỷ lệ hiện mắc cao ở những người ≤ 24 tuổi. Nhiều di chứng do nhiễm C. trachomatis có thể gặp ở phụ nữ, nghiêm trọng nhất là viêm vùng chậu, thai ngoài tử cung và vô sinh. Thường gặp là nhiễm trùng không triệu chứng ở cả nam và nữ. Vì vậy, để phát hiện nhiễm Chlamydia cần dựa vào các xét nghiệm sàng lọc. Khuyến nghị thực hiện sàng lọc hằng năm cho tất cả phụ nữ dưới 25 tuổi có quan hệ tình dục, cũng như sàng lọc những phụ nữ có nguy cơ cao lây nhiễm (ví dụ: phụ nữ ≥ 25 tuổi có bạn tình mới, nhiều bạn tình hoặc bạn tình mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục).

Việc điều trị không chỉ giúp phòng ngừa các biến chứng gây hại cho sức khỏe sinh sản mà còn ngăn ngừa việc tiếp tục lây truyền bệnh qua đường tình dục.
Đối với thanh thiếu niên, người trưởng thành
Phác đồ khuyến cáo: Doxycyclin 100mg uống 2 lần/ ngày x 7 ngày
Phác đồ thay thế: Azithromycin 1g uống liều duy nhất hoặc
                            Levofloxacin 500mg uống 1 lần/ ngày x 7 ngày
Doxycyclin 200mg ở dạng viên nén phóng thích có kiểm soát (sử dụng 1 lần/ ngày x 7 ngày) có hiệu quả tương tự với Doxycyclin 100mg 2 lần/ ngày x 7 ngày trong điều trị nhiễm C. trachomatis niệu sinh dục ở cả nam và nữ. Doxycyclin dạng viên nén phóng thích có kiểm soát có giá thành cao hơn nhưng giúp giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Levofloxacin là một lựa chọn điều trị thay thế hiệu quả nhưng cũng có giá thành cao hơn. Erythromycin không còn được khuyến cáo điều trị vì các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, có thể dẫn đến việc không tuân thủ. Khi không thể tuân thủ với phác đồ Doxycyclin, phác đồ Azithromycin 1g là lựa chọn điều trị thay thế nhưng có thể cần đánh giá hiệu quả sau điều trị ở những người bị nhiễm Chlamydia trực tràng vì Azithromycin có hiệu quả điều trị thấp hơn.
Để giảm thiểu lây bệnh cho bạn tình, những người được điều trị Chlamydia nên kiêng quan hệ tình dục trong 7 ngày đối với phác đồ uống liều duy nhất sau khi dùng thuốc hoặc cho đến khi hoàn thành phác đồ 7 ngày. Để giảm thiểu nguy cơ tái nhiễm, bệnh nhân cũng nên được hướng dẫn kiêng quan hệ tình dục cho đến khi tất cả các bạn tình của họ đã được điều trị khỏi. Những người được chẩn đoán nhiễm Chlamydia nên được xét nghiệm HIV, lậu và giang mai.
Không khuyến cáo đánh giá hiệu quả điều trị (kiểm tra lại 4 tuần sau khi hoàn thành phác đồ) đối với những người không có thai, trừ khi có nghi vấn về việc tuân thủ điều trị, các triệu chứng vẫn tồn tại hoặc nghi ngờ tái nhiễm. Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng sau điều trị không phải do thất bại trong điều trị mà là do tái nhiễm (do bạn tình không được điều trị hoặc bắt đầu hoạt động tình dục với bạn tình mới bị nhiễm). Những người đã được điều trị Chlamydia nên được kiểm tra lại khoảng 3 tháng sau khi điều trị. Nếu không thể kiểm tra lại sau 3 tháng, bác sĩ nên kiểm tra lại bất cứ khi nào < 12 tháng sau đợt điều trị ban đầu.
Đối với phụ nữ có thai
Phác đồ khuyến cáo: Azithromycin 1g uống liều duy nhất.
Phác đồ thay thế: Amoxicillin 500mg uống 3 lần/ ngày x 7 ngày.
Nên đánh giá hiệu quả điều trị (tốt nhất là bằng phương pháp khuếch đại acid nucleic (NAAT), vào khoảng 4 tuần sau khi hoàn thành chế độ điều trị) đối với phụ nữ có thai vì các di chứng nặng nề có thể xảy ra ở mẹ và trẻ sơ sinh nếu tình trạng nhiễm trùng vẫn tiếp diễn. Ngoài ra, tất cả phụ nữ mang thai được chẩn đoán nhiễm Chlamydia nên được kiểm tra lại 3 tháng sau khi điều trị. Phụ nữ < 25 tuổi và có nguy cơ cao nhiễm Chlamydia nên được sàng lọc ở lần khám tiền sản đầu tiên và được sàng lọc lại trong tam cá nguyệt thứ ba để ngăn ngừa các biến chứng sau khi sinh cho mẹ và trẻ sơ sinh.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em với cân nặng < 45kg: Erythromycin base hoặc ethyl succinat 50mg/ kg/ ngày uống chia thành 4 lần mỗi ngày trong 14 ngày.
Dữ liệu về hiệu quả và liều tối ưu của Azithromycin còn hạn chế trong điều trị nhiễm Chlamydia ở trẻ sơ sinh và trẻ em cân nặng < 45 kg.
Đối với trẻ em nặng ≥ 45kg nhưng < 8 tuổi: Azithromycin 1g uống liều duy nhất.
Đối với trẻ em ≥ 8 tuổi: Azithromycin 1g uống liều duy nhất hoặc
 Doxycyclin 100mg uống 2 lần/ ngày x 7 ngày
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
“Sexually Transmitted Infections Treatment Guidelines, 2021” – CDC.
                                                                                                                                                                                                                                          Đơn vị Thông Tin Thuốc