TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH SÀNG LỌC CHỦ ĐỘNG BỆNH LAO VÀ LAO TIỀM ẦN TỈNH BÌNH DƯƠNG 3 THÁNG CUỐI NĂM 2023

30/11/2023

.

Bệnh lao hẳn là rất quen thuộc với các bậc cha mẹ rồi phải không? Từ khi chào đời, hầu hết bé sơ sinh đều được tiêm chủng ngừa lao tại các cơ sở y tế. Nếu bé sơ sinh chưa kịp tiêm chủng thì sau nầy bé lớn lên cũng được nhắc nhở tiêm ngừa lao. Tuy nhiên nếu cha mẹ thấy trên bắp tay trái của con đã có vết sẹo do tiêm ngừa lao để lại thì cũng đừng vội yên tâm nhé! Vì bé đã tiêm phòng lao vẫn có thể mắc bệnh do tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với người bị bệnh lao. Theo thông tin của Bộ Y tế năm 2019, có ít nhất nửa triệu trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh lao mỗi năm và khoảng 70.000 trẻ tử vong vì căn bệnh này (1).
Khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể bé sẽ gây tình trạng “lao tiềm ẩn”, nghĩa là lúc này bé bị nhiễm vi khuẩn lao nhưng vi khuẩn ở trạng thái “không hoạt động”, không gây bệnh cho bé. Tuy nhiên, theo thời gian, vi khuẩn lao sẽ “hoạt động” và gây các bệnh như lao phổi, lao hạch, lao màng não,…Bởi vậy, việc phát hiện sớm và điều trị ngay từ giai đoạn lao tiềm ẩn rất là quan trọng.
Để triển khai hoạt động sàng lọc lao, lao tiềm ẩn tại tỉnh Bình Dương đem lại hiệu quả cao hơn, ngày 1 tháng 11 năm 2023, Bệnh viện Phụ Sản Nhi Bình Dương phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương triển khai chiến dịch sàng lọc chủ động bệnh lao và lao tiềm ẩn cho các đối tượng có nguy cơ cao tại bệnh viện Phụ Sản Nhi Bình Dương.
Nhằm đạt được mục tiêu tầm soát hiệu quả sàng lọc lao, lao tiềm ẩn, Khoa Nhi bệnh viện Phụ Sản Nhi Bình Dương sẽ tiến hành tiếp nhận, xét nghiệm và chẩn đoán sớm các trường hợp nhiễm lao tiềm ẩn để có hướng điều trị sớm, đồng hành cùng với các bệnh viện cả nước trong công tác ngăn chặn nguồn lây, khống chế bệnh lao, để bệnh lao không trở thành “một trong mười nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn thế giới”./.